Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đảng bộ xã Điềm Thụy: Tự hào 71 năm xây dựng và phát triển

2024-08-12 07:55:00.0

Điềm Thụy là một xã trung du, nằm phía tây bắc của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm huyện 7 km về phía tây bắc và cách thành phố Thái Nguyên 17 km về phía nam. Điềm Thụy là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đất nước, cùng với thời gian và không gian đã hội tụ, chắt lọc, hun đúc tạo nên khí chất, cốt cách người dân nơi đây có tinh thần đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhân dân địa bàn Điềm Thụy cùng cả nước vùng dậy đấu tranh giành độc lập và tự do. Ngày 14/8/1946, tại Đình Hộ Lệnh, Chi bộ Đảng xã Đại Cát chính thức được thành lập với 03 đảng viên, đã lãnh đạo nhân dân trong xã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1950 là Chi bộ xã Nhã Lộng; từ tháng 8/1953 là Chi bộ xã Trần Phú. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng địa phương, năm 1964, Chi bộ được chuẩn y thành Đảng bộ. Ngày 01/01/1975 chính thức đổi tên thành Điềm Thụy.

Trong kháng chiến chống Pháp, do đặc điểm là địa phương nằm trong khu vực An toàn. Với truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, nhân dân Điềm Thụy đã hết lòng che chở bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí cán bộ của Trung ương về công tác chỉ đạo phong trào; đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương và vừa chia sẻ, vừa giúp đỡ  đồng bào tản cư từ Hà Nội lên từ bát gạo, củ sắn, bắp ngô đến cả dụng cụ và tư liệu sản xuất... giúp đồng bào sớm ổn định đời sống và sản xuất, an tâm, phấn khởi gắn bó xây dựng trên quê hương mới.

 Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân trong xã đã gấp rút chuẩn bị tinh thần và lực lượng, cùng nhân dân cả nước sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến. Cùng với việc tích cực xây dựng lực lượng vũ trang  kháng chiến, nhân dân trong xã đẩy mạnh sản xuất, dốc sức chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, Điềm Thụy đã góp phần cùng với quân và dân cả nước  làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trấn động địa cầu.  Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Điềm Thụy đã có 12 người con hy sinh anh dũng vì Tổ quốc; nhiều người con đã bỏ lại một phần thân thể của mình ở chiến trường; nhân dân trong xã đã mua công phiếu kháng chiến và công trái quốc gia được hơn 1 triệu đồng tài chính ủng hộ kháng chiến; tham gia phong trào “Bán gạo khao quân” được 3,8 tấn; nộp thuế nông nghiệp cho Chính phủ được hàng trăm tấn lương thực; đóng góp nhiều loại lương thực, thực phẩm khác cho Chính phủ.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”, nhân dân xã Trần Phú đã ra sức chi viện sức người sức của cho miền Nam. Hằng năm, xã có hàng chục thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Nam. Trong đó có 48 người con đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc; 23 thương binh đã để lại một phần xương máu tại chiến trường; 49 người  khi trở về mang trên mình chất độc Điôxin truyền sang cả cho thế hệ con, cháu của họ; 37 thanh niên xung phong; trên 270 người tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu. Đó là những con người đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng đất nước, Bắc nam sum họp một nhà,….. với sự đóng góp của người dân Điềm Thụy qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc toàn xã có một hộ được công nhận gia đình có công với nước và 393 người được Nhà nước tặng thưởng Huân, huy chương các loại,….

Sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điềm Thụy đã bắt tay vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được tập trung lãnh đạo, đặc biệt là chương trình Mục tiêu quôc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Điềm Thụy là một trong những điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Bình. Sau 06 năm (Từ năm 2012-2016) bắt tay thực hiện, xã đã đạt các tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2017. Ngày 05/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành Quyết định số 718/QĐ-UBND về việc công nhận đô thị Điềm Thụy là đô thị loại V. Hiện nay, xã đang tiếp tục gấp rút hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao để xã Điềm Thụy cán đích theo đúng lộ trình trong năm 2024

Hiện nay, Điềm Thụy đã có trên 35 tuyến đường bê tông với chiều dài trên 30km được đầu tư, trị giá trên 25 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân. Để từng bước cải thiện hạ tầng giao thông trong quá trình thực hiện, cùng với tranh thủ nguồn lực ngân sách và hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhân dân xã Điềm Thụy còn tự nguyện đối ứng tiền, hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng các tuyến đường đảm bảo đạt chuẩn sáng- xanh- sạch- đẹp. Chỉ tính riêng tuyến đường tỉnh lộ 261 có 115/115 hộ dân có đất giáp 2 bên đường đã hiến hơn  25.516 m2 đất, trị giá khoảng 10 tỷ đồng; Tuyến đường 266 nhân dân đã hiến đất và tài sản trên đất trị giá trên 6 tỷ đồng, Tuyến đường liên 5 xóm từ xóm Trung 3 đi xóm Bình 2, nhân dân đã hiến 3.882 m2 đất và trên 2000 m2 tường rào và nhà ở trị giá khoảng 5 tỷ đồng...; Đây được coi là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của Điềm Thụy thể hiện sự đồng tình, ủng hộ và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân xã Điềm Thụy trong xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường trọng điểm như: ĐT 261, 266 cũng được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, xã đang được đầu tư thêm tuyến đường 261 nối 266, trong tương lai sẽ đem lại nhiều thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Các trường học được xây dựng khang trang, đảm bảo chất lượng dạy và học, cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở trung bình hàng năm đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học thuộc tốp đầu của huyện. Thiết chế văn hóa từ xã đến xóm được quan tâm: Nhà văn hóa xã được xây dựng trị giá trên 8 tỷ đồng; xây mới 4 nhà văn hóa xóm, tu sửa 6 nhà văn hóa, trị giá trên 2 tỷ đồng.

Một trong những điểm nhấn để Điềm Thụy vươn lên bứt phá trong phát triển kinh tế là ưu tiên cho phát triển công nghiệp,tiểu thủ CN, thương mại, dịch vụ.  Là xã trọng điểm về phát triển công nghiệp của huyện, xã đã tạo được môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, toàn xã có 35 nhà máy đã đi vào sản xuất, giải quyết tốt nhu cầu việc làm của lao động trong xã, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của Điềm Thụy luôn chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế.Hiên nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng /người/năm.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ của Điềm Thụy phát triển mạnh. Đến nay, toàn xã có gần 600 hộ kinh doanh đa dạng các dịch vụ hàng tiêu dùng, chế biến gỗ, kinh doanh vận tải…

Các Phong trào ‘‘toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá’’, ”Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” có sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, đã có 93,34% số  được bình xét đạt gia đình văn hóa , 100% Khu dân cư văn hóa đạt khu dân cư văn hóa ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98 %; hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi, thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia, với đa dạng các loại hình như: bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, dân vũ…Đặc biệt, người dân Điềm Thụy đã đồng thuận, chung tay cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, với các mô hình “ ngôi nhà 3 sạch NTM”; “tuyến đường tự quản”; “tuyến phố văn minh, tuyến đường không rác” “ gia đình 5 không 3 sạch”. Bên cạnh đó, người dân trong xã còn tích cực tham gia vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, tố giác tội phạm”,  duy trì hiệu quả các mô hình “ Camera an ninh”, Tổ tự quản…từ đó góp phần đảm bảo và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương cùng với nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, xã đầu tư thì nguồn lực từ nhân dân là trên 10 tỷ đồng, chiếm tới trên 20 % tổng nguồn lực. Đây chính là minh chứng về sự đồng thuận của nhân dân trong xã về chương trình được đánh giá là toàn diện về nông nghiệp- nông dân- nông thôn từ khi thực hiện chương trình NTM đến nay.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Phương thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng từ xã đến cơ sở có nhiều đổi mới rõ nét, ngày càng toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Dân chủ được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo được củng cố, mở rộng; nhìn chung, đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

 Kỷ niệm 71 năm thành lập Đảng bộ xã Điềm Thụy (8/1953-8/2024) là dịp để toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã cùng nhau ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, kiên cường, vẻ vang của Đảng bộ, tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng; trân trọng và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm phải gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy những thành quả, những giá trị truyền thống quý báu mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã dày công vun đắp và xây dựng. Từ đó, thống nhất cao, quyết tâm lớn, đổi mới từ nhận thức đến hành động cụ thể, thiết thực, tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiền phong gương mẫu, có sức chiến đấu cao, năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra,  và hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024, góp phần các tiêu chí huyện Phú Bình trở thành Thị Xã, xã Điềm Thụy trở thành Phường Điềm Thụy trước năm 2030./.



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 321663